Thầy tên Lê Sơn Lâm, nó được biết trước tên
thầy dạy vẽ đồ họa Autocad qua cái thời khóa biểu học kỳ Hai lớp nó. Ông thầy
“dễ thương” phát sợ. Từ “dễ thương” nó phải đặt trong ngoặc kép mỗi khi nó nhắc
đến thầy, cặp ngoặc kép be bé ấy mà thật quan trọng.
Tiết học đầu tiên, thầy bảo tụi nó lấy giấy
ra ghi chép những nút lệnh vẽ, một đống và một đống… Nó chẳng hiểu khỉ khô gì nhưng
vẫn cố tập trung nghe thầy giảng và hý hoáy ghi. Thầy giảng bài nhỏ. Nhỏ bạn ngồi
cách nó một máy tính đứng lên đề nghị thầy giảng to hơn nhưng thầy vẫn giữ
nguyên “mức âm lượng”. Vài phút sau, thầy đã giảng xong toàn bộ các bài trong
sách và chuyển sang phần Bài tập thực hành, tức là đến cái phần tụi nó tự xoay
sở.
- Rồi,
giờ vẽ đi!
Mấy đứa bạn ngồi cùng dãy với nó, hỏi thầy với
bộ mặt từ trên trời rớt xuống:
- Vẽ
gì vậy thầy?
Thầy trả lời dửng dưng:
- Muốn
vẽ gì vẽ!
Và tụi nó bắt đầu lật lật sách ra tìm phần Bài tập, rê chuột lên màn hình máy tính nguệch
ngoạc. Khổ cho nó! Trầy trật lắm nó mới rành rọt hai món Word, Excel. Giờ nó lại
phải “thỉnh” thêm cái phần mềm vẽ đồ họa vô đầu.
Ông thầy đi lòng vòng khắp lớp. Than ôi! Lớp
nó là sinh viên ngành Sinh học mà thầy chỉ dành ra vài phút để giảng cách sử dụng
phần mềm vẽ đồ họa một lèo từ đầu đến cuối, tụi nó tiếp thu nổi mới lạ. Có mà cạy
lỗ tai nó ra rót chữ vào cũng chưa chắc nó hiểu! Cái đường vẽ trên máy tính chẳng
tuân theo ý nó chút nào.
Tụi nó đưa giọng ỉ ôi than với thầy rằng mấy
hình này khó vẽ quá. Thầy đành vẽ thử cho tụi nó xem vài hình. Thầy giảng, nó
nghe chữ được chữ mất nhưng thầy mắng thì nó nghe rõ mồn một: “Ba cái hình cùi
bắp này thì có gì đâu mà không biết vẽ!... Rồi, hình nào nữa?… Lại mấy cái hình
khoai lang, cùi chuối này nữa hả?”. Dĩ nhiên, nếu những thứ ấy chỉ là cùi bắp với
khoai lang thì nó đã chọn ngành kiến trúc rồi!
Nó ngồi nghe, mệt mỏi liếc đồng hồ. Cái lạnh
buốt của luồng không khí ẩm ngoài trời đang mưa và luồng hơi từ máy lạnh, mấy đứa
bạn mặc áo khoác kín đòi tắc máy lạnh. Còn nó, nó chỉ thấy lòng nóng như lửa đốt,
và cả thân thể nó cứ bừng bừng một ngọn lửa, nó chỉ muốn đứng lên giữa lớp học
yêu cầu thầy giảng to, chậm và… lịch sự hơn với sinh viên. Liếc mặt đồng hồ
chán, nó quay sang liếc khuôn mặt ông thầy. Một khuôn mặt còn trẻ lắm, vẻ ngạo
mạn với hàng chân mày đậm, đôi mắt to kéo một đuôi mắt dài. Khuôn mặt đó áp chế
phần nào ngọn lửa chỉ mới ngùn ngụt lên khí quản nó chứ chưa trào ra ngoài.
Dường như nó hiểu, với một con người như thế
này, nó chỉ có thể im lặng và chịu đựng như bao bạn bè xung quanh. Nếu không, tai
họa sẽ giáng xuống thật kinh khủng. Kể từ lúc đó, nó gọi thầm ông thầy với biệt
danh: Chúa sơn lâm.
Chúa sơn lâm nói chuyện rất nhỏ (không nghe
được, ráng chịu!), nhưng la mắng (gầm lên) rất lớn và quyền uy cũng thật tối
thượng. Không gì có thể lay chuyển được ý muốn của Chúa sơn lâm. Giờ ra về:
- Tuần
sau nghỉ, tuần sau nữa đi học bình thường. Về nhà, vẽ hình cho tôi từ trang X đến
trang Z.
- Trời!
Nhiều quá thầy ơi! Tụi em không thể vẽ kịp đâu! Thầy cho tụi em vẽ tới trang XX
thôi ạ! Nhiêu đó cũng mấy chục hình luôn rồi thầy… Có nhiều hình thầy chưa chỉ
cách vẽ mà!
-
Không, vẽ hết!
Con nhỏ ngồi cách nó một chỗ, thành khẩn xin:
- Thầy
ơi! Xin thầy bớt lại cho tụi em một trang, chỉ một trang thôi!
- Tôi
nói không là không! Xin xỏ nữa là tôi tăng thêm hình bây giờ!
Nó và mấy đứa bạn chẳng dám hé răng thêm tiếng
nào, đành ôm cục tức về nhà:
- Thế
là xong nhé Thi! Vẽ mấy chục cái hình, khỏi có thời gian đọc sách luôn. Phải
công nhận càng học càng nhận thấy giảng viên có sự hành hạ thật ngọt ngào!
Nó bĩu môi:
- Ngọt
ngào gì xấc!... Tui muốn kiện cái ông thầy đó lên Ban giám hiệu dễ sợ!
- Kiện
liền và ngay đi! Ông thầy dạy vô trách nhiệm ghê, chỉ biết phần mình không à!
Nó và nhỏ bạn tạm biệt nhau ở cuối dãy cầu
thang, nó nói nghe anh hùng rơm vậy cho thỏa nỗi căm hờn cái môn học trái ngành
và ông thầy giáo dỏm. Nó thừa hiểu thân phận nhỏ bé của nó trước “quyền uy tối
thượng” của Chúa sơn lâm. Sinh viên có quyền góp ý giảng viên, thậm chí có quyền
làm đơn xin đổi giảng viên. Nhưng, việc có thành công hay không là tùy thuộc
phòng đào tạo và chín mươi chín phẩy chín chín phần trăm là không thành. Cứ kiện
đi! Chuyện không thành, Chúa sơn lâm sẽ nuốt chửng nó một cách cũng ngọt ngào vậy.
Đối với nó, thứ quý giá nhất trên đời là
sách. Bao giờ cũng thế; vừa rời khỏi lớp học, ngay cả vài phút ít ỏi trước giờ học
là nó tranh thủ ôm quyển sách đọc. Người ta cảm thấy khó chịu khi người ta chẳng
biết phải làm gì vào lúc nhàn rỗi, nhưng đám bạn cho rằng nó luôn luôn bận rộn.
Nhắc đến nó, chẳng ai nghĩ đến sự cô đơn và bi quan. Nó tận dụng mọi khoảng trống
thời gian để đọc sách chuyên ngành như thể ngày mai nó chẳng còn được đọc.
Hai năm trước, khi nó còn là cô nữ sinh thức
khuya dậy sớm, mệt mỏi với chương trình học của phổ thông. Trong mắt nó lúc đó,
đại học là một bầu trời cho nó tung cánh bay tự do như chú chim chiền chiện bay
vút lên giữa đồng không, nó sẽ được sống hoàn toàn với ước mơ của nó. Cũng nhờ “giấc
mộng lớn” là trở thành nhà nghiên cứu Sinh học, nó mới cố… đu bám hết nổi các
môn ở phổ thông. Nó bao giờ cũng bám víu vào ước mơ như bám víu vào mảnh ván
thuyền trôi giữa dòng đời. Nó mơ đến một ngày nó sẽ được “sống” trọn vẹn với
Sinh học.
Rồi ngày ấy cũng đến, nó đậu đại học. Qua hết
năm nhất, bước sang học kỳ hai năm thứ hai; nó mới biết ngày xưa nó lầm.
Nếu nó biết…
Nếu nó biết nó sẽ tiếp tục bị giam cầm bởi
những môn học sở đoản của nó, chắc ngày xưa nó đã không khao khát vào đại học.
Trách ai đây? Khi bây giờ nó phải tiếp tục đối
phó với Toán cao cấp, Vật lý,… và cái môn Vẽ đồ họa chết tiệt. Ngày trước, người
ta tô vẽ những mảng màu tươi sáng lên khung trời mộng của giấc mơ Công nghệ Sinh
học trong lòng nó, người ta giấu nhẹm đi những thứ nó ghét. Phía trước, đại học
chính là hòn đảo duy nhất mà nó đang tiến đến, tiến đến với biết bao băn khoăn
bị bỏ dở, bị vùi xuống dưới những điều đẹp đẽ mà các nhà tư vấn tuyển sinh đã định
kiến vào lòng nó. Ước mơ như những lớp đất màu mỡ nhất để nó có thể vun trồng sự
nghiệp sau này của mình. Nên mỗi ngày, mỗi giờ, trên từng trang vở, nó đều mơ về
căn phòng thí nghiệm nho nhỏ và những quyển sách… Dường như, đó là cái đích nó nhắm đến sau mười
hai năm phổ thông ròng rã.
Trời vẫn còn mưa lâm thâm, những hạt mưa rơi
ướt mặt nó, nhẹ mà buồn! Nó không biết làm sao để vơi bớt nỗi âu lo bao trùm cả
khối óc và cả đôi mắt trong của nó vốn chỉ mang cái nhìn lạc quan. Nó không muốn
rớt học kỳ này, với đồng lương ít ỏi, cha mẹ nó phải vất vả mới có tiền cho nó
ăn học. Học lại, nó đã quyết gạt bỏ từ ngữ đó ra khỏi tâm trí nó kể từ khi nó
thấm thía được cái cảm giác khi phải học lại hai môn thi rớt học kỳ trước, ngốn
bao nhiêu thời gian và tiền bạc! Học kỳ này, với những môn trái ngành, nó không
muốn quan tâm quá nhiều vì nó chỉ muốn tập trung vào chuyên môn. Bao nhiêu người
đã từng bước qua thời sinh viên đại học, từng học qua bao nhiêu thứ nhưng cuối
cùng họ vẫn chẳng ứng dụng gì những kiến thức đó sau khi tốt nghiệp đấy thôi!
Và nó quyết…
không từ thủ đoạn nào để qua được những môn trái ngành. Nó mệt mỏi lắm rồi.
- Tức
điên với cái ông thầy thiệt chứ!
- Làm
như cả học kỳ mình học mỗi môn ổng vậy.
Nghe đám bạn xôn xao về thầy dạy vẽ đồ họa,
nó cũng trút ra ngoài sự bực tức đang lồng lộn trong máu:
- Bực
ghê á! Nói thì nhỏ, lệnh thì bấm nhanh như gió, không kịp nhìn gì hết!
Nhỏ áo trắng cất giọng lanh lảnh:
- Vậy
đó! Chảnh chảnh ta đây đi nước ngoài mới về.
- Ủa,
ổng mới đi nước ngoài về hả!
- Hồi
chiều tui hỏi sao phần mềm Autocad của thầy không tải được. Ổng cãi, cái tui
nói em cho thầy mail mà thầy có trả lời đâu. Ổng nói tui đi nước ngoài mới về,
đâu rảnh! Rồi tui xin bài tập từ từ nộp tại hôm bữa em gặp tai nạn nên không đi
học được. Cái ổng nói ủa cái đó là do em xui chứ trách được ai, vậy chịu khó từ
từ ra trường đi em!
- Ông
thầy thấy ghét ghê! Hỏi cái gì ổng cũng nói: “Thầy không biết, không phải việc
của thầy.”
Nhỏ áo trắng la lên vẫn cái giọng lanh lảnh
như giọng một đứa bé:
- Ổng
nói vậy luôn hả?
- Mấy
đứa kia hỏi, ổng trả lời vậy đó nên tui ko hỏi gì hết! Không biết thì tự mò.
Nó vẫn còn tức cái câu ông thầy nói lúc đầu
tiết, giờ mới được dịp… xả:
- Lúc
tụi mình nói với thầy bài về nhà nhiều và khó quá, tụi em vẽ không kịp, xin thầy
tuần sau nộp thì ổng cười: “Làm việc tính lương, thì mấy em hẹn kiểu đó được
không!”. Thực tình, tui không biết mình đi học vẽ đồ họa hay đi vẽ mướn cho ông
ta nữa.
- Thì
mình học môn này chỉ để đi vẽ dạo thôi chứ để làm quái gì bà!
Ngày tháng trôi như gió, nó quần quật với những
bài kiểm tra các môn và chẳng còn cảm nhận được sự trôi đi của thời gian. Đợt học
này chỉ có hai tháng, hai tháng toàn những môn nặng nề nhất, đặc biệt là môn Vẽ
đồ họa. Nó lo đến mất ngủ. Môn nào cũng kiểm tra, nộp báo cáo thực hành tới nơi
mà nó cứ tưởng đâu chỉ mới học một hai tuần là cùng. Lên đại học, nó không còn
dám chủ quan như hồi phổ thông. Mỗi học kỳ là mỗi kế hoạch rất… quy mô cho hai
cột điểm quá trình và thi cuối kỳ mỗi môn! Lơ mơ một cái là chết như chơi!
Trời dù mưa hay nắng, cũng chẳng đứa nào dám
nghỉ một buổi thực hành Vẽ đồ họa, ông thầy điểm danh, ai nghỉ dù chỉ một buổi
cũng phải tìm buổi khác học bù. Ai cũng chán ngán. Một hôm, nó nói với nhỏ bạn
thân học khác ca thực hành:
-
Trưa mai vừa ăn cơm xong là tao đã phải thấy mặt ông thầy đáng ghét.
- Mày
vậy còn đỡ. Sáng sớm, tao mới ngủ dậy là phải vào nhìn bản mặt ổng đây nè! Ôi, mấy
bữa nay đúng nghĩa cắm đầu vô máy tính. Vì đâu mà mình ra nông nỗi này?...
- Vì chúa
sơn lâm chứ vì đâu!
Nhỏ áo đen học chung ca thực hành với nó, xen
vào:
- Nhờ
thạc sĩ Lê Sơn Lâm mà tao bị tuột huyết áp luôn, quá phê! Không biết mai tao đi
học nổi không?...
Trưa hôm sau, thầy giao lớp nó vẽ hai bản vẽ.
Thầy chấm điểm, lớp nó một hai bước đều chỉ vỉ mấy lỗi nhỏ như con kiến: sai tỷ
lệ, chưa ẩn khung nhìn cho mỗi hình,… Chúa sơn lâm biếu nó nguyên con vịt – hai
điểm vào sổ. Nó thấy rằng lọ mọ vẽ một đống ra cái hình nhìn cũng kỳ công lắm,
vẽ kỹ thuật cũng đâu khác gì vẽ kiến trúc! Nhưng cuối cùng, ông thầy lại chấm điểm
kỹ phần cài đặt in ấn và trình bày bản vẽ. Nó không hiểu tại sao chúa sơn lâm
phải quan trọng hóa phần này! Phần này vốn dành riêng cho những nhân viên in bản
vẽ kỹ thuật ở tiệm phô-tô. Nó học ngành Sinh học để nghiên cứu về sự sống, chứ
đâu phải học để đi in ấn bản vẽ giùm thiên hạ.
Mới sáu giờ bốn mươi lăm sáng, nó và đám bạn
vào lớp xin thầy cho gỡ điểm. Thầy giao lớp nó một bản vẽ bên ngành Xây dựng!
Đám sinh viên nài nỉ: “Thầy ơi, thầy cho
hình nào khác dễ hơn chút đi thầy!”, thầy lắc đầu.
Căng con mắt cận mười độ để nhìn vào bản vẽ
có quá nhiều chi tiết phức tạp, vậy mà nó vẫn cứ vẽ sai kích thước, phải vẽ đi
vẽ lại mấy lần. Đến mười giờ rưỡi, nó vẫn chưa thể hoàn thành nổi. Nó định làm
xong tới đâu, đưa thầy chấm tới đó. Dầu sao, nó cũng đã vẽ được khá nhiều. Nó
không muốn bị thiếu mất cột điểm. Ông thầy chực bước ra khỏi lớp, nó gọi thầy
trong tuyệt vọng.
Chúa sơn lâm dừng lại trước bài vẽ của nó,
liếc nó một cách khinh thị:
- Bài
như vầy mà em đưa tôi chấm đó hả? Tôi phải chấm cái gì trong này đây?
Bao nhiêu sự tức giận điên cuồng trong trí
nó mỗi lần nó nghĩ đến chúa sơn lâm, nay bỗng bay mất đi đâu hết trước câu hỏi
gằn giọng ấy. Lúc này, chỉ có điểm số mang đến cho nó nỗi lo ghê gớm nhất. Nó
còn nhiều dự định trong tương lai. Không, nó không thể để mình bị học lại môn
này! Ôi, những dự định nghiên cứu khoa học của nó!... Nó không muốn để trễ mất
những dự định ấy. Nó không muốn… không muốn…
Nó cúi đầu trước cái liếc nhìn của ông thầy
và trước những cặp mắt của vài người bạn sắp rời khỏi phòng máy. Nó đã làm sai
điều gì mà họ nhìn nó như nhìn một tội nhân? Hay cũng có thể họ đang tỏ ý
thương hại cho nó, nhưng nó cũng chẳng cần. Nó bối rối thưa:
-
Thưa thầy, em… em vẽ rồi đây ạ!
- Vẽ!
Thế này mà gọi là vẽ đó hả?
Thầy cho điểm một vào cột điểm còn trống của
nó, bực bội ngẩng lên nhìn nó:
- Em
vẽ yếu nhất lớp. Lúc nào, em cũng cứ cho rằng em làm đúng, nhưng thực ra em chỉ
toàn làm sai thôi!
Nó hoàn toàn hiểu điều thầy nói, thầy đã từng
thấy lối vẽ ngang bướng của nó. Nó không sử dụng các lệnh vẽ thầy chỉ vì thầy bấm
lệnh nhanh, nó không nhìn kịp. Với ít ỏi những lệnh vẽ đơn giản nó mò ra, nó
dùng những phương pháp hình học để vẽ đồ họa.
-
Thôi, cô bé kính cận này sẽ trở thành “khách hàng thân thiết” của trường
rồi.
Nói xong câu cuối, ông thầy vô trách nhiệm
quay lưng đi thẳng ra cửa.
Nó thu dọn giáo trình, đề cương, bút viết. Mọi
thứ nhòe đi trước nỗi thất vọng dâng lên ngập khóe mắt nó, bao nỗi niềm ngổn
ngang. Nhỏ bạn thân đứng bên nó nhẹ nhàng an ủi, bảo nó thứ ba tuần sau mày vào
trường đi rồi tao chỉ hết những gì mày chưa làm được.
Nó và bạn bước ra cửa sau khi người quản lý
phòng máy tắt điện, nó không thể giải thích được những cảm xúc rối loạn trong
lòng. Nhưng nó biết, nó đang rơi vào một nỗi buồn bất tận. Một nỗi buồn mà nó
không biết bắt nguồn từ đâu và kết thúc ở đâu. Trong ngực nó; loảng xoảng những
ước mơ vỡ tan, những mảnh vỡ bay chấp chới theo tia nắng trưa óng ánh, len qua những
đám mây trên nền trời xanh thẳm.
NGUYỄN KHÁNH TUYẾT VY
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét