Hôm nay tôi đến
Tôi tìm tôi
Xưa nay, không như những đứa bé không cha khác, tôi không bao giờ hỏi mẹ cha đâu. Tôi cũng không quay quắt đi tìm, vì tôi đã từng chứng kiến những đứa bé có cha mà như không cha. Cho đến khi tôi nghe một ông khách nói chuyện cùng con trai qua điện thọai, giọng trìu mến, lòng khao khát có một người cha trong tôi trỗi dậy.
Tôi bước vào gian phòng “Người đàn bà xa lạ” của mẹ. Căn phòng được lót gỗ cao cấp bóng ngời. Một cái bàn gỗ thấp hình vuông đặt ở giữa, xung quanh là những chiếc gối hình vuông thêu hình đôi chim uyên ương vờn nhau. Một căn phòng kiểu Nhật. Một căn phòng sang trọng mà u uất cô đơn như bức tranh “Người đàn bà xa lạ” treo trên tường. Một căn phòng cô đơn với những tháng năm dài chỉ có mẹ tôi một mình một bóng với ly bia, uống vì ai, uống cùng ai trong giấc mơ, tôi hoàn toàn không biết.
Mẹ đang ngồi. Không uống bia. Chỉ là ngồi thế thôi. Mắt nhìn gương mặt huyền bí của người phụ nữ trong tranh. Mẹ bất động như tượng đá. Khi ngồi như thế, mẹ đẹp như một nữ thần lạnh lùng, khác hẳn với vẻ đẹp rạng ngời, lồ lộ và đầy quyến rũ khi mẹ ở ngoài kia, khi mẹ nói cười cùng khách, nói cười cùng những người đàn ông ái mộ mình.
Tôi ngồi xếp bằng đối diện mẹ, nghiêm trang nhìn vào mắt mẹ:
- Con muốn đi tìm ba ruột của mình. Con muốn biết con là ai.
Mẹ từ từ rời mắt khỏi bức tranh, không ngạc nhiên, không bối rối, mẹ nhìn thẳng vào tôi:
- Con có quyền biết điều đó. Nhưng nếu con cần ở mẹ một lời khuyên, thì mẹ khuyên con không nên đi tìm. Con không cần biết con là con của ai.
- Mẹ cứ sống cuộc đời lập dị của mẹ đi. Mẹ không cần biết quá khứ, hiện tại hay tương lai. Mẹ không cần biết mình là ai. Thậm chí sinh con ra cũng không cần biết nó là con ai. Nhưng con cần phải biết.
Tôi đứng dậy, quả quyết đi ra, hoàn toàn không muốn biết sau lưng tôi, ánh mắt mẹ như thế nào.
Ông là tay họa sĩ “bản địa”, người đã phỏng tác lại bức tranh “Người đàn bà xa lạ”. Ông xuất hiện trong cuộc đời của mẹ tôi khi nào tôi không rõ, chỉ biết là từ khi có ý thức tôi đã biết ông. Tóc ông dài đến tận thắt lưng và được cột bằng sợi dây thun. Thỉnh thỏang ông đến Diêu Bông quán, nhậu nhẹt cùng bạn bè rồi đi. Ông gọi tôi là “Thiên thần bé con” và hay bế tôi lên, cọ cọ hàng ria mép gớm ghiếc của mình vào má tôi cho đến khi nào tôi khóc thét lên mới thôi. Ông ngỡ ngàng nhìn tôi khi biết ý định của tôi. Tôi ngồi lọt thỏm trong căn phòng treo đầy tranh của ông, với bức tranh “Người đàn bà xa lạ” được treo trang trọng ở giữa. Bức tranh này lớn hơn bức tranh ở Diêu Bông quán. Tôi nhìn kỹ gương mặt người phụ nữ xinh đẹp ngồi trên xe ngựa, gương mặt mà bao năm qua tôi đã quen nhìn, chợt khám phá ra rằng, gương mặt người phụ nữ trong bức tranh ở Diêu Bông quán phản phất gương mặt của mẹ tôi, còn gương mặt “người đàn bà xa lạ" này mới đúng là “xa lạ”. Nàng ngồi trên xe ngựa mui trần, hậu cảnh là những mái nhà phủ đầy tuyết trắng, người thẳng, nhô cao lên trên thành phố sương mù trắng lạnh như một nữ hoàng. Trang phục của nàng cực kỳ quý phái với chiếc mũ gắn những chiếc lông chim nhẹ nhàng tao nhã, với áo khoác lông thú và những dải lụa xanh, với vòng đeo tay bằng vàng. Nàng cực kỳ khả ái với khuôn mặt trái xoan, với sống mũi thanh tú, với hàng mi đen nhánh, nhưng cũng cực kỳ xa xôi, huyền bí.
Thấy tôi chăm chăm nhìn vào bức tranh, ông hỏi:
- Thiên thần bé con thấy bức tranh này quen không?
- Ở quán chứ gì. Thấy mẹ giống người phụ nữ trong tranh không?
- Là do Thiên thần bé con quen nhìn thấy mẹ hàng ngày đó thôi. Còn bác khi lần đầu tiên thấy mẹ đã giật mình. Thiên thần hãy xem kỹ bức tranh này. Đấy, gương mặt xinh đẹp này có giống mẹ hay không. Cái dáng vẻ tạo nên nỗi băn khoăn và dự cảm bất an này có giống mẹ hay không. Thân phận của người phụ nữ trong tranh cho đến nay cả thế giới còn chưa biết. Cũng như mẹ con, bác chưa bao giờ biết được. Người phụ nữ trong tranh với trang phục sang trọng đài các như thế, mà vẫn không ai cho là người thuộc “khuôn vàng thước ngọc”, cũng giống như mẹ của Thiên Thần, đầy vẻ sang trọng đài các mà vẫn không phải là người như thế, mà hoàn toàn bí ẩn như người trong tranh.
Tôi nhìn sang những bức tranh khác mà phần lớn đều có những nhân vật mang cùng một gương mặt, gương mặt của mẹ tôi. Một người thiếu nữ nhìn nghiêng, mắt buồn, u ẩn và lạnh lùng. Một người thiếu nữ đứng bên cầu Quan nhìn mút qua Châu Giang. Một người thiếu nữ ngồi trên phiến đá. Tất cả những con đường, những cảnh vật Châu Đốc đều có trong tranh ông, với mẹ tôi là nhân vật trung tâm.
Ông nhìn tôi hồ nghi khi tôi trở về đề tài chính của mình. Thiên thần bé con ơi, làm sao ta có thể trả lời câu hỏi đó. Có một đứa con với “Người đàn bà xa lạ” là một giấc mơ hạnh phúc. Có một đứa con như “Thiên thần bé con” là điều không dám tưởng tượng ra. Nhưng làm sao để biết chính xác đây? Thử AND ư? Để dẫn đến điều gì, Thiên thần có nghĩ ra được không? Để dẫn đến điều gì?
Thời gian có quay trở lại ngày tôi tượng hình thành cái phôi nhỏ xíu, để ông vui mừng reo lên với hạnh phúc sắp làm cha?
Thời gian có quay trở lại ngày tôi ra đời để ông vụng về bồng tôi trên tay trong niềm run sợ con mình rơi xuống đất?
Thời gian có quay trở lại ngày tôi bước bước chân đi đầu tiên, tôi lững chững đi và ngã trọn vào vòng tay ông, để ông tung hứng lên không cho tôi cười nắc nẻ, rồi ông công kênh tôi trên vai đi khắp xóm với tấm lòng hồ hởi?
Người đàn bà của ông, người phụ nữ không hề có mặt trong bất cứ bức tranh nào của ông từ bếp bước ra. Giọng bà như kim khí “Ăn cơm”.
Bàn tay ông thanh mảnh. Ông lướt nhẹ trên dây đàn. Những âm thanh kỳ diệu vang lên. Những âm thanh thoát tục, đối nghịch hẳn những âm thanh hỗn tạp, ầm ĩ của đường phố Sài Gòn dội vô từ cửa sổ. Rồi tiếng đàn im bặt, ông hít một hơi thở dài, nhìn tôi.
Mẹ con ư? Một cô gái quê mùa từ miền Tây lên nhạc viện, một sự đột phá kỳ diệu với tiếng đàn làm rung động lòng người. Ở nhạc viện cũng có vài người vô danh như thế trở thành ca sĩ nhạc thính phòng nhờ giọng ca trời phú, nhưng với ngón đàn của mẹ con lại là một sự đáng kinh ngạc, vì đàn phải có thời gian khổ luyện. Bác nhìn mẹ con đàn trong buổi dự thi mà trái tim như vỡ vụn. Một cô gái tuổi đời còn quá trẻ mà vẻ đẹp vừa mặn mà vừa từng trải vừa huyền bí. Mới mười tám tuổi thôi mà sắc đẹp và sự trưởng thành cộng với ngón đàn điêu luyện đó đã ám ảnh người nghe. Một nỗi buồn u uẩn trong ánh mắt, trong tiếng đàn, và cả trong nụ cười khinh bạc.
Ngày ngày bác ở bên mẹ con. Bác uốn nắn từng nốt nhạc. Bác đã dẫn mẹ con vào thế giới âm nhạc bác học. Nhưng đột nhiên mẹ con lại nghỉ học, trở về quê. Bác đã tìm đến tận Châu Đốc. Bác đã từng đến tận Diêu Bông quán.
Sao tôi lại không biết. Ngay cả bây giờ ông vẫn đến. Tình trường của mẹ tôi không có điểm khởi đầu cũng như điểm kết thúc. Tất cả những người đàn ông đến không cùng thời điểm nhưng tất cả đều tồn tại trong cuộc đời mẹ tôi, làm nên một cuộc tình đa người vĩ đại, những cuộc tình mà mẹ không cho là những cuộc tình, mà là những nốt nhạc làm nên bản nhạc huyền bí bao quanh đời mẹ, khiến cho nguồn cội của tôi cũng là một sự huyền bí.
Tôi về làng Ba Chúc. Năm nào tôi cũng về đó ít nhất là một lần để cúng giỗ tập thể những người đã chết trong cuộc thảm sát của Khmer đỏ năm xưa, trong đó có ông bà ngoại tôi. Bà cố tôi là con gái ông Hội đồng ở làng Long Bình, đẹp nổi tiếng, được gọi là “Người đẹp Bình Di”. Nên nếu kể gốc gác ông bà thì tôi có cả một dòng họ lớn ở làng Long Bình bên cạnh con sông Bình Di, với đạo gốc là đạo Cao Đài chứ không phải là Tứ Ân Hiếu nghĩa như bây giờ. An Định ra đón tôi. An Định là cháu ngọai ruột của ngoại nuôi tôi, là người đã cưu mang mẹ tôi trong những tháng ngày giặc giã ấy, cho đến khi ông bà Sáu rước mẹ về Châu Đốc.
Nó chở tôi đi trên những con đường mà như bao lần tôi như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Những ngọn núi xa xa ẩn mình trong mây bạc, những cánh đồng xanh bát ngát, những hàng cây thốt nốt trầm mặc trong nắng chiều. Mặt trời như quả cam khổng lồ đang từ từ chìm khuất sau núi. Những khu vườn tầm vông rì rào xào xạc trong gió.
Mẹ không thích về nơi đây, có lẽ nó gợi cho mẹ những kí ức kinh hoàng. Nhưng tôi thích. Tôi thích cảnh huyền bí của Thất Sơn, thích cảnh bình minh hay hoàng hôn đều lộng lẫy sắc màu, màu đỏ của mặt trời, màu vàng của nắng, màu xám của núi, màu xanh của cây cối.
Hè nào tôi cũng cùng An Định đi rong ruổi khắp nơi, lên tận chùa Phật Lớn trên núi Cấm, lên cả núi Tà Pạ xem Rùa bày binh pháp. Rùa không có tuổi, lúc như đứa trẻ ngây thơ lúc như ông già hiền triết. Ăn mặc tinh tươm, quần áo trắng tinh, tương phản lạ lùng với căn nhà lá lụp xụp, với tính khí nửa tỉnh nửa điên, với vóc dáng gầy nhom quanh năm suốt tháng ẩn hiện như ma ở cả vùng Thất Sơn. Ngoại nói, nó ăn mặc sạch đẹp chỉ lúc chiều xuống thôi. Cả ngày lăn lóc rừng núi, đến tối là ăn mặc chải chuốt như thế. Không ai hiểu tại sao lại thế. Lúc tỉnh đi làm cho người ta, có bao nhiêu tiền là may đồ trắng. Có khi lúc lên cơn thì đem ra đốt. Tội nghiệp.
Tôi xoắn theo ngoại, bất kể gần như bà muốn trốn tránh tôi với câu hỏi:
- Ngoại biết ba con là ai không?
Bà lắc đầu nguầy nguậy. Cuối cùng, tôi lăn xả vào lòng bà, khóc như vừa mới chết cha chết mẹ:
- Ngọai không nói con sẽ leo lên núi Nam Qui nhảy xuống cho tan xác. Con sống làm chi mà không biết mình từ đâu ra. Con có cha không? Mẹ có phải là mẹ ruột của con không?
Ngọai sững người ra, mấp máy:
- Núi Nam Qui, ừ, con nên tìm Nam Qui.
Đến lượt tôi sững người nhìn ngoại:
- Nam Qui là ai? Sao con phải đến tìm Nam Qui?
- Nam Qui chính là cậu Rùa của mày đó. Cha mẹ nó chết hết lúc giặc Miên tràn sang. Lúc đó nó chạy cùng với ngoại nên thoát. Ngày trước, mẹ mày có thời gian ở trên Tà Pạ với nó.
- Sao mẹ con lại ở trên đó?
- Ngoại không biết. Mẹ mày có làm chuyện gì mà cho ai biết đâu.
Tôi đứng phắt dậy, người run lên không kềm chế nổi. Người đàn ông với ánh mắt lúc nào cũng như lạc ở đâu đó rất xa cõi con người, sao có thể là cha của tôi. Cái sự điên của ông cũng rất lạ lùng. Ông dễ nổi điên với đàn ông, nhưng lại tỏ ra ngoan ngoãn hiền lành với phụ nữ và trẻ con. Ông dễ nổi điên vào ban ngày, nhưng lại như một thư sinh nho nhã với quần áo trắng tinh vào lúc chiều tà. Ông sinh ra ở núi Nam Qui, nhưng sau khi cha mẹ chết hết, đã theo về ở với ngoại nuôi tôi. Sau đó ông lên dựng căn nhà lá bên triền núi Tà Pạ, rồi đi bộ đội sang Campuchia, rồi giải ngũ về ở hẳn trên đó. Ông phát bệnh vào một buổi sáng khi nhìn thấy bụi quỳnh ông trồng trước nhà bị ai nhổ bỏ, quăng tứ tung trong sân, một trò đùa man rợ của kẻ nào đó với lòng yêu thích hoa quỳnh của ông, Ông phát cuồng, gào thét lên như mãnh thú. Tiếng vọng của ông vang vào vách đá, vọng ra, rồi lại đập vào vách đá, rồi lan xa, tưởng chừng như có thể lay động cả những con Xà Niêng trốn sâu nhất trong rừng.
Với tâm trạng khác trước, tôi lên núi Tà Pạ. Cây lâm vồ đối diện đường lên núi hình như đang lắt lay từng chiếc lá reo mừng tôi. Tại gốc cây to lớn có hàng trăm năm tuổi này tôi đã cùng An Định và đám nhỏ đứng xem Rùa bày cái gọi là “Binh pháp” với những hòn đá. Bày xong, Rùa đứng lên ngắm kiệt tác của mình, xoa hai tay vào nhau, hài lòng.
- Vậy đó. Vậy mới thắng chứ. Ai như cái thằng “Tiểu trưởng” của mình. Đồ ngu. Đi đánh giặc mà không hiểu gì về binh pháp, về chiến thuật hết, đến nổi làm lính chết hết.
Đôi mắt dài dại của Rùa chiếu thẳng vào tôi, rồi ánh mắt chợt như “mềm” lại, giọng nói cũng như “mềm” lại:
- Quỳnh à, Rùa không phải chửi Quỳnh ngu đâu. Rùa chửi thằng tiểu trưởng ấy. Quỳnh có muốn nghe kể chuyện đời xưa không? Lên Thiên động của Rùa đi.
“Thiên động” của Rùa chính là căn nhà lá bên triền núi.
Mẹ chưa bao giờ kể chuyện đời xưa lẫn đời nay cho tôi nghe.
Tôi thiếu vắng một điều gì đó trong đời mà tôi không thật rõ. Có khi tôi nghĩ, hay điều mình thiếu chính là chuyện đời xưa.
Từ lúc mười tuổi, tôi đã biết leo lên núi Tà Pạ để tìm chuyện đời xưa.
Chuyện đời xưa của Rùa không hề giống những câu chuyện cổ tích trong sách, mà lan man, mà huyền bí, mà không đầu không cuối, mà lôi thôi lếch thếch như chính con người của Rùa. Và hầu hết câu chuyện nào cũng có Rùa trong đó.
- Quỳnh biết không, Rùa đã từng là đạo sĩ. Rùa là học trò của đạo sĩ Tuyệt Chân ở Mãng cốc. Rùa múa võ cho Quỳnh xem nè. Võ Thất Sơn đó biết không. Hồi đó vua chạy lọan qua đây, một số quân sĩ của vua đã ở lại, truyền cho thế võ này. Rùa từng giết mãng xà tinh. Rùa từng khuất phục bọn hổ báo. Mấy con mãnh thú Rùa còn tiêu diệt được, huống gì cái bọn Khmer đỏ. Quỳnh đừng sợ gì hết. Đi lên núi mà có cọp beo xuất hiện Quỳnh cứ réo gọi tên Rùa là bọn chúng sợ bỏ chạy hết.
Quỳnh biết không, Rùa đã từng biến thành Xà Niêng ấy. Rùa đã từng ngậm ngãi đi tìm trầm, đi tìm hoài mà không gặp. Rùa buồn nên Rùa không thèm nói chuyện. Rùa không nói chuyện nên người ta tưởng Rùa câm, có người còn tưởng Rùa là con vượn. Có ai xứng để Rùa nói chuyện đâu. Rùa chỉ thích nói chuyện với Tiên Hoa thôi.
Quỳnh biết không, Rùa đã từng được phong anh hùng đấy, vì đã giết được rất nhiều Khmer đỏ. Cái bọn Đỏ ấy Quỳnh không biết đâu, nó đen nhẻm mà không hiểu sao nó lại mang tên là Đỏ, đã tràn qua làng mình. Lúc ấy đang về chiều. Lúc đó Rùa đang đi học về nhà, mặc áo trắng tinh. Đó là ngày cuối cùng của năm học. Sắp đến hè rồi. Khi bọn Đỏ đến, Rùa chạy về nhà. Nhà trống huơ trống hoác. Rùa hoảng loạn chạy khắp nơi. Trên đường chạy, Rùa đã gặp Tiên Hoa cũng hoảng loạn chạy cùng má Út. Rùa chạy cùng họ. Máu nhiều lắm. Máu ướt nhẹp chiếc áo trắng của Rùa.
Quỳnh biết không, ngày xửa ngày xưa, Rùa cũng biết bắn súng nữa đó. Rùa bắn vào bọn Đỏ. Bọn Đỏ cũng bắn lại Rùa. Chát đùng… chát đùng… Xì… xì… xì… Tách… tách… tách….
Không bao giờ tôi tìm cách xâu chuỗi những sự kiện trong những “ngày xửa ngày xưa” đó. Cứ như Rùa kể để mà kể và tôi nghe để mà nghe. Chỉ đến đêm qua, trước khi quyết định lên Tà Pạ tìm cha, tôi chịu ngồi nghe ngoại nuôi kể sự thật về những câu chuyện đời xưa của Rùa. Một hình ảnh ngày xưa đó hiện ra trước mắt tôi, sinh động mà khó tin đến nỗi ngay cả ngoại nuôi ngồi trước mặt mà tôi ngỡ như người của cõi nào khác. Một cuộc thảm sát mà thoạt nghe cứ như xảy ra vào thời tiền sử, với những chiếc thuỗng cuốc vào đầu, những ngọn tầm vông giạt nhọn đâm vào chỗ kín, những kiểu xé xác thảm khốc…
Dòng họ tôi, không, đúng hơn là một nhánh của dòng họ tôi đã tuyệt mạng mấy chục người. Những người cả gia đình chết hết còn đơn thân độc mã một mình như Rùa hay mẹ tôi không phải là ít. Từ ngày ấy, Rùa và mẹ tôi đã trở thành con nuôi của ngoại. Rồi ông bà Sáu rước mẹ về Châu Đốc. Rùa đi bộ đội và chứng kiến cả tiểu đoàn mình bị chết chỉ còn mình với tiểu đoàn trưởng. Rồi Rùa phát bệnh dở tỉnh dở mê với những chiều mặc áo sơ mi trắng muốt ra cửa đứng mong đợi ai đó.
Từ nhỏ, tôi đã gọi ông là Rùa. Bọn trẻ cũng gọi ông là Rùa. Rùa cũng gọi tôi bằng tên, giọng điệu rất trìu mến thân thương. Lẽ nào niềm ruột thịt thiêng liêng âm ỉ trong ông khiến ông trìu mến thân thương như vậy. Ngoại nói thằng đó từ nhỏ đã thích trẻ con. Trẻ con leo lên đầu nó ngồi nó cũng cười hì hì. Tôi chưa từng leo lên đầu Rùa, nhưng từng ngồi trên vai Rùa đi chơi khắp xóm. Hình ảnh đứa con gái trắng bóc đu trên cổ người đàn ông đen đúa vì lặn lội khắp vùng núi Thất Sơn khiến ai đi đường cũng tò mò đứng lại nhìn. Rùa mắt hân hoan, công kênh tôi đi không biết chán, miệng hát bài hát tự chế điên rồ của mình:
Đường lên Tà Pạ nay đã thay đổi nhiều. Ngày trước đường rất gồ ghề, đầy sỏi đá, có khi Rùa phải xuống tận chân núi cõng tôi lên, giờ đã được xây bằng phẳng với những viên đá hình chữ nhật xếp ngang. Chỉ có một thứ không khác xưa, chính là tượng thần bốn mặt trên cổng chính rất hoành tráng với đôi cột bằng đá. Vẫn như bao lần, tôi luôn cảm giác đi hướng nào thần cũng nhìn theo. Thần nhìn thấy hết mọi ý nghĩ trong lòng tôi. Thần biết hết những lỗi lầm tôi vừa gây nên. Như bao lần, tôi không dám nhìn thẳng vào mặt thần. Tôi lẩn nhanh xuống con đường mòn nhỏ dẫn đến nhà Rùa rồi tự buồn cười, mình có lỗi lầm gì mà không bao giờ dám nhìn thẳng vào tượng thần bốn mặt, ngay cả khi tôi còn là đứa trẻ nhỏ xíu. Một đứa trẻ chưa phạm tội lỗi gì dù chỉ là ý nghĩ, sao vẫn không dám nhìn mặt thần? Hay tự trong tiềm thức, tôi đã tự cho mình có tội khi mới ra đời, khi sống đến hôm nay mà vẫn mơ hồ không rõ mình từ đâu đến. An Định ngày xưa khóc trời khóc đất khi ngoại nuôi nói nó từ đất nẻ chui lên hay lượm nó từ bên gốc me. Không một ai trên đời này nói với tôi tôi từ đâu ra, dù là nói chọc ghẹo kiểu đó, đến nỗi tôi nghĩ nếu tôi từ đất nẻ chui lên có thể cũng là hạnh phúc.
Tôi nhìn thấy Rùa từ xa. Rùa trố mắt nhìn tôi rồi từ đôi mắt ấy, ánh sáng vui tươi hiện lên.
- Quỳnh có muốn Rùa cõng đi chơi không?
Với tôi, cũng như với tất thảy trẻ con trên đời này, Rùa không phân biệt thế hệ. Rùa quên năm tháng, quên tuổi đời đang chồng chất lên mình. Rùa nói chuyện, chơi đùa với chúng tôi cứ như chúng tôi là những đứa bạn cùng Rùa đi lùng sục trên núi năm xưa. Khoảng thời gian xảy ra những sự kiện liên quan đến vụ thảm sát của Khmer đỏ cũng như cuộc truy kích kẻ thù hoàn toàn biến mất khỏi tâm trí Rùa những khi Rùa tỉnh. Còn những khi Rùa trong cơn điên, thì Rùa hoàn toàn quên đi thực tại, chỉ sống cùng những sự kiện kinh hoàng đó.
Rùa mang bụi quỳnh ra khoe. Quỳnh biết không, hoa quỳnh này sắp nở rồi đấy. Hoa quỳnh cũng đẹp, cũng trắng muốt như Quỳnh vậy. Trắng như áo của Rùa. Tôi bắt Rùa ngừng tất cả những lời nói, những hành động lăng xăng lao xao lại, để nhìn thẳng vào ánh mắt nghiêm nghị của tôi:
- Rùa. Nghe Quỳnh hỏi nè!
- Rùa không được nói dối. Rùa hứa đi, Rùa không được nói dối Quỳnh.
- Rùa không biết nói dối.
- Rùa có biết ai là ba của Quỳnh không?
Tôi bật dậy kinh ngạc. Một câu trả lời quả quyết trái hẳn với những câu trả lời do dự hồ nghi của những người đàn ông mà tôi gặp. Tôi kinh ngạc về sự quả quyết ấy, điều tôi không lường trước ở một người nửa tỉnh nửa mê còn không biết bản thân mình là ai như Rùa.
Suốt nhiều ngày sau đó, dù tôi gặng hỏi như thế nào, Rùa cũng chỉ trả lời như thế. Tôi giận dữ giẫm lên bụi quỳnh:
- Rùa tỉnh lại một chút coi. Vì sao Quỳnh là con của Rùa? Vì sao cậu biết điều đó?
Rùa ôm bụi quỳnh, khóc hu hu như đứa trẻ:
- Vì Tiên Hoa từng ở đây mà. Vì Tiên Hoa hứa sẽ cho Rùa một đứa con và sẽ đặt tên là Quỳnh Hoa. Đêm đó trăng sáng lắm. Hoa quỳnh nở đẹp lắm. Tiên Hoa còn cho Rùa cái áo trắng để bù đắp cho Rùa
- Vì hồi đó lúc bọn Đỏ rượt, Rùa đã che cho Tiên Hoa, đến nỗi Rùa bị thương trên vai. Máu làm dơ hết chiếc áo trắng của Rùa.
Mẹ tôi tên Liên Hoa, mà Rùa cứ gọi là Tiên Hoa.
Tôi gặp mẹ ở gốc cây lâm vồ. Mẹ không tỏ vẻ gì khi gặp tôi. Mẹ cùng tôi leo lên núi. Mẹ không đi đến nhà của Rùa mà dẫn tôi đi thẳng lên trên.
- Hôm nay mẹ muốn cho con xem một góc của cuộc đời mẹ.
Giọng mẹ trang trọng chưa từng có. Đời mẹ có bao nhiêu góc tôi không cần biết, nhưng tôi muốn biết rõ góc này, cái góc mà tôi đã từ đâu đó trong hư vô biến thành hạt bụi của thế gian này.
Đường lên đồi Tà Pạ nay đã được xây thẳng tắp, mỗi góc cua đều có một pho tượng thần đứng chỉ đường. Vẻ hoang sơ cổ kính ngày xưa của chùa Chưn Num đã được thay bằng nhiều kiến trúc hiện đại hoành tráng. Mẹ dẫn tôi ra phía hậu liêu của chùa, nơi có tượng Phật vừa mới xây, nhìn xuống cả cánh đồng Tà Pạ. Cánh đồng Tà Pạ trải dài và rộng trước mắt tôi, nhiều mảng màu sắc rực rỡ nơi xanh rờn mạ non, nơi vàng rực lúa chín, vì gieo trồng không cùng lúc.
- Nơi đây, khi nhỏ mẹ hay lên. Tụi mẹ đi phá tổ chim, đi rảo rảo khắp nơi sục sạo khám phá. Hồi ấy nơi này còn rất hoang sơ, chùa rất vắng. Xuống này đi, ở dưới kia có một chỗ như bồng lai tiên cảnh.
- Mẹ muốn nói đến cái hồ chứ gì.
- Hả, hồ Tiên Hoa? Con có nghe ai gọi nó bằng cái tên như vậy đâu. Người ta gọi là hồ Tà Pạ, là vịnh Hạ Long trên cạn.
- Ừ, người ta gọi thế, nhưng với Nam Qui, nó là hồ Tiên Hoa.
- Là tên mẹ do cậu đặt chứ gì?
Một cái hồ được hình thành do khai thác đá. Hồ được bao quanh bởi những chỏm đá cao, thấp thoáng không đều, nhiều cột đá mang hình thù kì dị. Có một cột đá cao có dáng dấp một người mẹ bồng con. Nước hồ trong xanh, đẹp đến đủ sức gợi lòng người nghĩ về chốn bồng lai.
Ngày ấy, Nam Qui đã đặt tên hồ như vậy.
- Mẹ quan trọng như vậy, sao cậu lại rất ít nhắc về mẹ. Sao bao năm qua cậu biết con là con của cậumà cậu không hề nói?
- Con của cậu? - Mẹ nhắc lại, ánh mắt lướt qua tôi. Rồi mẹ im lặng nhìn về phía xa xăm, nơi núi Dài thấp thoáng trong mây, nơi cánh đồng trải dài điểm xuyết bằng những cây thốt nốt đứng trầm mặc cô đơn.
- Con là con của ai mẹ không biết. Thật sự là mẹ không biết. Mẹ cũng không muốn biết. Đàn ông là gì đối với mẹ con biết không? Là sự thay thế một giấc mơ. Nhưng với Nam Qui, mẹ không biết nói sao với con bây giờ. Mẹ đã từng sống với Nam Qui ở đây, nhưng lúc đó mẹ mới hai mươi tuổi. Trong cơn cuồng dại chạy trốn một giấc mơ đau đớn, mẹ đã về đây. Hai mươi tuổi. Từ ấy đến nay đã haimươi mấy năm. Bây giờ con cũng chỉ mới hai mươi tuổi thôi. Con tính xem, con có thể là con của Nam Qui không?
Tôi trân trối nhìn mẹ. Tôi lấy tay bịt hai tai mình lại, gào lên:
- Không, con không muốn nghe mẹ nói lời nào nữa. Con cũng không muốn mẹ là mẹ của con.
Tôi chạy ào xuống nhà của Rùa. Rùa đang bưng ra rổ lá giang.
- Quỳnh, Rùa đang chuẩn bị mang lá giang xuống nhà má xào thịt bò cho Quỳnh ăn đây.
Tôi bụm tay vào mặt, khóc nức lên. Tôi ao ước mình nhỏ lại thành cô bé, không bao giờ cần biết mình là con của ai, chỉ thấy lòng hớn hở sướng vui khi được Rùa công kênh trên vai đi khắp xóm, mặc thiên hạ trầm trồ bàn tán về một thằng điên và một đứa bé con hoang.
- Là mẹ - Tôi gào lên - Quỳnh ghét mẹ. Mẹ nói Quỳnh không phải là con của Rùa.
Rổ lá giang trong tay Rùa rơi xuống đất. Ánh sáng trong mắt Rùa tối dần tối dần, trong đó xuất hiện những đóm lân tinh đang nhảy nhót. Rùa gào lên trong điên loạn, không còn là tiếng con người. Rùa cởi phăng chiếc áo trắng đang mặc, xé tan nát. Trên ngực trên lưng Rùa đầy những vết sẹo dài, vết tích của trận chiến năm xưa cả tiểu đoàn bị xóa sổ. Rùa dẫm nát những bụi quỳnh có trong sân. Rùa rú lên một tiếng dài, như tiếng rú ngày nào Rùa giả giọng Xà Niêng khi kể chuyện đời xưa cho tôi nghe. Rùa chạy phăng phăng xuống núi, mất dần trong rừng cây.
Mẹ đang ngồi trên tảng đá, nhìn hút mắt xuống triền núi. Dáng mẹ sang trọng đài các. Mẹ thừa hưởng tất cả những nét đẹp của “Người đẹp Bình Di” năm xưa. Nhưng trông mẹ vô cùng lạnh lùng, vô cùng xa lạ huyền bí như “Người đàn bà xa lạ” trong bức tranh của mẹ. Mẹ đang nói cùng tôi, mà như đang nói cùng không khí, một cuộc độc thoại với hư không.
- Con có cần biết mình là ai không, khi bao người có nguồn có cội mà rốt cuộc vẫn cứ như không nguồn không cội. Mẹ kể con nghe câu chuyện này. Có một người đàn ông đã chế ra được ngọn lửa thần, ngọn lửa kỳ diệu. Ngọn lửa này biết phân biệt thật giả. Thời đó người thật và người giả lẫn lộn với nhau. Rốt cùng không ai biết đâu là thật, đâu là giả, đâu là ảo ảnh. Ngọn lửa đó chỉ thiêu cháy người giả, không thiêu cháy người thật. Ông đem ra thử thì kinh ngạc nhận ra rằng, số người thật rất ít. Toàn là ảo ảnh. Những con người xinh đẹp ngời ngời sức sống, sờ tay vào là có thể cảm nhận làn da mềm mại, có thể nghe được dòng máu nóng hổi đang sôi sùng sục, phút chốc lại tan biến thành khói trong ngọn lửa thần kỳ của ông. Đau buồn thất vọng, ông đã vào núi sâu ở một mình, xa lánh cả thế giới trần gian ảo ảnh kia. Nhưng ngày qua tháng lại ông lại đau khổ vì nỗi cô đơn. Ông hì hục hứng từng giọt sương, gom tất cả những làn hương của hoa của lá, thu tất cả ánh sáng, tất cả tinh túy của trời của đất mà tạo ra một đứa con trai. Đứa con trai đứng dậy, nói cười cùng ông, mang lại cho ông một niềm vui, niềm hạnh phúc bất tận. Nhưng ông sống trong sợ hãi, sợ đứa con này biến mất đi, vì nó vốn là ảo ảnh mà. Ông dặn đi dặn lại con đừng bao giờ đến gần ngọn lửa. “Tại sao vậy cha?” “Vì nó sẽ thiêu đốt ảo ảnh” “Con là con của cha mà, con đâu phải là ảo ảnh” “Ừ, con là thật” “Con là thật thì sợ gì lửa. Con không sợ lửa. Cha xem này”. Thằng bé vừa cười khanh khách vừa nhảy vào đống lửa. Ông hoảng hốt nhảy theo, giơ tay ra nắm lấy con. Ông nắm đến đâu, thằng bé tan biến ra đến đấy. Đây mái tóc xoăn mềm mại đang tan ra. Đây đôi má hồng hào đang tan ra. Đây nụ cười xinh tươi như hoa đang tan ra. Tất cả, tất cả, được tạo thành từ sương, từ hương hoa, từ ánh sáng của mặt trăng, của mặt trời, từ tinh túy của trời đất…đang tan ra trong lòng bàn tay ông. Rồi ông kinh hoàng nhận ra bàn tay mình cũng đang tan ra, tan dần theo là cánh tay, là vai, là mặt, rồi cả cơ thể của ông cũng tan ra thành sương, thành hương hoa, thành ánh sáng mặt trời, mặt trăng, thành tinh túy của trời đất. Trái tim ông tan ra, trước khi ông đau đớn nhận ra mình cũng là ảo ảnh
Con là ai? Khi mẹ mười tám tuổi, mẹ mất cả đại gia đình. Mẹ về sống với ông bà Sáu. Mười tám tuổi mẹ thừa hưởng một gia tài khổng lồ của ông bà để lại. Mười tám tuổi, mẹ thương một cậu bé mới mười bốn tuổi mà dáng vẻ như một anh hùng hảo hán, như một Hạng Võ, như một Kinh Kha. Khi mẹ hai mươi tuổi, cậu bé ấy đã mười sáu, đã uống rượu say trong Diêu Bông quán, đã tỏ tình, nhưng không phải tỏ tình với mẹ mà với một cô bé vắng mặt. Trong đêm đau buồn ấy, mẹ đã vượt đường xa về tận núi Tà Pạ, đã dâng hiến niềm trinh trắng của mình cho Nam Qui, người đã yêu thương mẹ từ lâu. Mẹ muốn cho anh một đứa con trước khi ra trận để nối dòng, để an ủi một dòng họ chỉ trong một buổi chiều tuyệt mạng hết. Nhưng rốt cuộc, Nam Qui đã bỏ tinh thần của mình ở đất Miên, đã bỏ cả tuổi trẻ cả cuộc đời mình cho chiến trường khốc liệt ấy, vẫn không có được một đứa con nối dòng
Buổi chiều, ngoại nuôi cùng tôi và An Định sấp ngửa chạy theo dòng người lên núi Tà Pạ. Bên sườn núi, căn nhà lá của Rùa đang cháy ngùn ngụt. Tất cả những ai có mặt đều lao vào dập lửa, chỉ trừ mình tôi. Tôi lao vào rừng, thảng thốt gọi: “Rùa ơi!” Chỉ có tiếng vọng của vách đá đáp lại lời tôi. Tôi leo phăng phăng lên hồ Tiên Hoa, nháo nhác tìm xung quanh và gào lên: “Cậu ơi!”. Phảng phất trong gió như là tiếng hát: “Ta ngậm ngãi tìm trầm. Trầm ở nơi đâu. Ơi hời…”.
Tôi leo lên tảng đá cao nhất. Mênh mông trước mắt tôi là cánh đồng lúa, là rừng bạt ngàn, là núi chập chùng ẩn hiện trong ánh hòang hôn vàng thẫm, trong tầng tầng lớp lớp những đám mây bao quanh. Tôi bắt tay lên gọi: “Rùa ơi! Cậu ơi!”. Bao cảm xúc cuồn cuộn dâng trào, khiến tôi như nghẹt thở. Tôi ôm lấy ngực mình, tuyệt vọng gọi: “Cha ơi!”. Tiếng vách đá vọng lại: “Cha… cha… ơi… ơi”.
TRƯƠNG THỊ THANH HIỀN
____________________________
BÔNG
TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
XUÂN
ĐINH DẬU & NGÀY THƠ VIỆT NAM 2017
>>
Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh bên dưới để vào chuyên đề đặc biệt <<

Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét