 |
Ảnh Internet |
Miên đến bàn, ngồi
xuống ghế và bật máy để nghe bài hát Somewhere, my love, tiếng hát của nữ ca sĩ
Connie Francis lại cất lên:
Somewhere, my love,
There will be songs to sing
Although the snow
Covers the hope of spring.
Somewhere a hill
Blossoms in green and gold
And there are dreams
All that your heart can hold.
Someday we'll meet again, my love.
Someday whenever the spring breaks through.
You'll come to me
Out of the long ago,
Warm as the wind,
Soft as the kiss of snow.
Till then, my sweet,
Think of me now and then.
God, speed my love
Til you are mine again.
Mỗi lần
gặp một điều gì đó làm anh xúc động mạnh, cảm thấy bức rức khó chịu, anh thường
bật máy nghe lại bài Somewhere, my love. Bài hát nầy anh đã nghe đi nghe lại biết
bao lần, mỗi lần nghe lại có một cảm xúc khác nhau mà anh không thể lý giải nỗi
do ca sĩ Connie Francis hát trong bộ phim Bác sĩ Zhivago. Nó như một dòng suối
mát chảy qua cánh đồng khô hạn, làm tươi mát một vùng đất chịu nhiều tai ương,
hay ít ra nó như cơn mưa rào bất chợt làm dịu đi cái nắng hanh hao của một mùa
hè oi nồng rát bỏng. Tâm hồn anh hình như được làm dịu đi những lúc cơn
sóng ngầm vừa ầm ào vừa giận dữ nổi lên trong lòng anh. Anh vẫn còn nhớ như in
cái ngày anh được về phép, anh rủ Hà – người yêu của anh - cùng đi xem hát sau
một buổi chiều bát phố rong chơi đây đó. Ngày ấy Hà đang học năm thứ hai Đại học
sư phạm, còn anh đang là một người lính của miền Nam. Chiến tranh đang đến hồi
khốc liệt trên khắp các vùng chiến thuật. Hôm đó rạp chiếu bộ phim “Bác sĩ
Zhivago”, một tác phẩm nổi tiếng cùa nhà văn Nga Boris Pasternak được đạo diễn
David Lean chuyển thể thành bộ phim nhựa có nhiều tình tiết đầy cảm động. Bộ phim “Bác sĩ Zhivago” kể về cuộc đời nhiều
thăng trầm của một trí thức Nga trong thời kỳ đầy xáo động của Cách mạng Nga
năm 1905 và cuộc nội chiến dai dẳng tranh giành quyền lực giữa Hồng quân và phe
Bạch vệ (1917-1922) sau đó. Chàng Yurii Zhivago theo học ngành y và theo lời
trăng trối của mẹ, anh kết hôn với nàng Tonia, nhưng khi ra chiến trường làm
bác sĩ, chàng đã gặp và yêu Lara, một nữ y tá đã có chồng là một thầy giáo. Mối
tình của Zhivago và Lara đã kéo dài qua những năm khốn khó của nước Nga khi bão
táp cách mạng và cuộc nội chiến khốc liệt đã làm tan hoang tất cả mọi thứ trong
cuộc sống của con người. Cuối cùng Zhivago chết trong một cơn đột quỵ trên một
chuyến tàu đang di chuyển, Lara chỉ tìm được anh khi anh đã mất. Lúc ấy Hà đã
nói: Phim buồn quá anh ạ. Miên nhớ mình đã nắm tay Hà như muốn truyền hơi ấm và
sức mạnh niềm tin sang cô, anh nói: Buồn nhưng cảm động. Họ đã có những gì họ
muốn, họ được sống gần nhau trong những giây phút gian khổ nhất của kiếp người,
dù thế gian có chia cắt họ nhưng tâm hồn họ luôn hướng về nhau em không thấy
sao?
Ngoải
trời, tuyết vẫn rơi. Anh nhìn qua khung cửa sổ. Hơi lạnh đã làm cho mấy tấm
kính mờ đục không còn trông thấy rõ nữa, nó như phủ
một lớp sương mỏng mờ ảo, hình ảnh bên ngoài cũng nhạt nhòa đi không rõ nét
nhưng anh vẫn cảm nhận được mấy cái cây trồng trước nhà mình phủ đầy tuyết uốn
theo thế những nhánh cây tạo nên nhiều hình thể lạ lẫm mà chắc bình thường anh
cũng không thể nào hình dung tưởng tượng được nhưng trông nó đẹp lạ lùng làm
sao. Con đường phía trước ngập đầy tuyết đang được nhiều công nhân dùng máy cào
tuyết để mặt đường thông thoáng hơn cho xe cộ có thể di chuyển được. Mấy thằng
bé nhà hàng xóm hôm nay không thấy ra đường đùa nghịch nữa, chúng cũng không còn dùng tuyết nắn những hình tượng
mà chúng yêu thích như ông già noel, bà chúa tuyết hay cô bé quàng khăn đỏ hay
gì gì đó mà chúng được đọc trong các chuyện cổ tích hay được người lớn kể cho
nghe, có lẽ trời lạnh quá hay chúng đã nhàm chán mấy trò chơi vô bổ nầy rồi
cũng nên. Không thấy bọn trẻ Miên có cảm giác hơi buồn, cảm giác khung cảnh mùa
đông trước nhà sao trơ trọi buồn tẻ quá, Trời còn sớm nhưng tuyết rơi nhiều nên
không gian thật ảm đạm lạnh lẽo, vắng vẻ, cũng may hôm nay anh xong công việc sớm
nên xin phép về trước, nên cũng không đến nỗi tắt đường vì tuyết.
Thời
tiết năm nay hình như có vẽ bất thường, cái lạnh, tuyết rơi đến sớm hơn mọi năm
và cũng dầy hơn. Mấy tiểu bang vùng đông bắc Hoa Kỳ nơi anh đang ở mùa đông tuyết
rơi dầy là chuyện bình thường mà. Miên chợt cầm tấm thẻ bài lên ngắm nghía mà
tâm trạng để tận đâu đâu, không vui cũng không buồn, có lẽ cảm xúc anh đã dần chai
đi khi cuộc đời mình đã trải qua nhiều nỗi cùng cực quá sức chịu đựng chăng chính bản thân anh
cũng không biết nữa. Chiều nay khi đi làm về, người chủ nhà đưa cho anh một gói
quà bảo bưu điện vừa gửi đến và hỏi một
câu xã giao: Chiều nay ông về sớm? Anh trả lời nhẹ nhàng: Vâng! Công việc không
nhiều. Cám ơn bác về gói quà mà bác đã nhận giùm.Tên người nhận đúng là anh rồi,
còn tên người gởi- Một cái tên Mỹ lạ hoắc. Của ai thế? Tuy có hơi thắc mắc
nhưng anh vẫn làm ra vẻ vui đón lấy,
trong lòng không gợn lên chút cảm xúc khái niệm nào. Từ lâu rồi hình như không
ai gởi thơ hay một cái gì đó cho anh, ngoài những món đồ vặt vãnh anh đặt từ
các cửa hàng, siêu thị cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày, anh hình như không
còn tiếp xúc với thế giới xung quanh ngoài công việc hằng ngày để nuôi sống bản
thân mình và cho cuộc tìm kiếm đầy vô vọng. Anh lấy chiếc
kéo nhỏ cắt dây xung quanh ràng buộc món đồ, Khi mở chiếc hộp gỗ ra, một vật
kim loại rơi xoảng xuống đất, nhìn
hình dáng giống như một tấm thẻ bài, anh cúi xuống nhặt lên, mặt có vẻ ngạc
nhiên xúc động.
Đúng
là tấm thẻ bài. Ngón tay cái của anh mân mê, rà theo từng mẫu tự, con số được dập
nổi trên bề mặt tấm thẻ, miệng lẩm bẩm đọc lên từng con
số, từng con chữ trên đó. Thật ra anh có thể nhắm mắt đọc không sót một từ một
số nào trên tấm thẻ bài mà không cần dùng ngón tay để rà lên đó làm gì vì tấm
thẻ bài nầy một thời từng là máu thịt của anh, gắn bó với anh trong suốt cuộc
chiến tranh xảy ra ở Việt Nam, cái tên, năm nhập ngũ,
số quân, nhóm máu mà bất cứ người lính nào trong hàng ngũ của anh cũng phải thuộc
nằm lòng, nó là vật bất ly thân trừ khi người lính ấy ngã xuống. Từ lâu anh đã
quên nó, hình như nó không còn tồn tại trong cuộc đời đầy khốn khổ cay đắng của
anh từ khi tàn cuộc chiến, những người lính như anh chấp nhận tan hàng rã ngũ
trong trạng thái đớn đau nhục nhã. Anh cũng như bao người lính của miền Nam khi
ấy phải ra trình diện nhà cầm quyền để học tập đường lối chính sách của bên thắng
cuộc trong một vài ngày
theo như lời họ nói. Vậy mà với thân phận một sĩ quan bộ phận tâm lý chiến anh
đi học tập một lèo hết sáu bảy năm trời, qua nhiều trại cải tạo khác nhau từ miền
Nam đến miền Bắc, từ Suối Máu, Bù Gia Mập đến dãy Hoàng Liên Sơn quanh năm
sương mù bao phủ, bạn bè anh nhiều người không chờ đợi được ngày về đã bỏ cuộc,
nằm xuống. Hà không thể chờ đợi anh lâu như
thế, đã theo gia đình vượt sóng trong một ngày mưa gió bão bùng như anh nghe lời
một người bà con của nàng sau nầy kể lại. Anh về trong một tâm trạng mệt mõi,
rã rời tuyệt vọng, bệnh tật, cố gắng làm đủ mọi nghề để tồn tại, chờ đợi. Rồi chương
trình HO do Mỹ đề xướng cũng đến, anh hy vọng sẽ đi nhưng rồi hồ sơ bị gác lại.
Anh vẫn còn nhớ rất rõ gương mặt người nhân viên Mỹ phụ
trách phỏng vấn anh, ông ta giải thích vì giấy trả quyền công dân của anh chỉ
là bản copy không phải bản chính, anh đã cố gắng giải thích cho ông ta hiểu đã
thất lạc đâu đó không tìm được và bản copy cũng là một bằng chứng kia mà nhưng
ông ta lắc đầu nói: Xin lỗi, tôi
không giúp được gì cho anh vì tôi chỉ là người thừa hành làm đúng theo chỉ thị
của cấp trên mà thôi. Anh cay đắng và nói trong cơn tức giận: Chúng tôi chết một
lần vì sự hèn nhát đầu hàng của bọn tướng lãnh nước tôi, nước Mỹ các ông lại giết
chúng tôi lần thứ hai vì sự vô cảm, nguyên tắc của mấy người. Và anh đã bỏ lại
tấm thẻ bài của mình trên bàn làm việc của người Mỹ phỏng vấn anh, quày quả bước
ra trong nỗi giận dữ tuyệt vọng. Anh tìm cách vượt biên, thất bại vào tù, lần
thứ hai rồi lần thứ ba cuối cùng anh cũng vượt thoát.
Trong
chiếc hộp còn có một bức thư, anh mở ra xem. Nội dung bức thư làm cho anh có
chút ngạc nhiên, thì ra ông ấy vẫn còn nhớ đến mình?
Cali,
…
Thưa
ông
Trước
hết tôi xin thay mặt cha tôi - ông Bill
W. Clinton - Một người đã mất, được xin lỗi ông, dù có hơi muộn. Như ông
biết, ngày đó cha tôi không thể giúp gì cho ông trong chương trình HO vì hồ sơ
của ông còn thiếu sót, không phải cha tôi không hiểu điều ông nói nhưng là một
nhân viên ngoại giao, cha tôi phải tuân thủ các nguyên tắc mà chính phủ nước
tôi đã qui định. Ông bỏ lại tấm thẻ bài thể hiện sự thất vọng to lớn của ông đối
với chính phủ Mỹ mà ông cho rằng chính phủ tôi đã phản bội lại đồng minh. Cha
tôi đã suy nghĩ rất nhiều và cảm thấy ân hận vì đã từ chối, giúp đở ông. Sau nầy
khi rời khỏi chức vụ ông vẫn giữ tấm thẻ bài nầy như một lời nhắc nhở, cảnh tỉnh
mình. Cha tôi đã cố gắng tìm kiếm mọi thông tin nhưng vô vọng để trả lại tấm thẻ
bài cho ông với một lời xin lỗi. Trước khi mất ông ấy đã giao lại nhiệm vụ nầy
cho tôi và hy vọng tôi hoàn thành ước nguyện của ông. Tôi đã cố gắng hết sức -
thưa ông - cuối cùng tôi cũng có được thông tin của ông qua nhiều nguồn tin từ
nhiều nguồn khác nhau. Xin chúc mừng ông vì cuối cùng ông cũng đặt chân được đến
đất nước chúng tôi. Tôi xin trao trả lại tấm thẻ bài cho ông vì chỉ có ông mới
có quyền giữ tấm thẻ bài nầy mà thôi.
Một lần
nữa thay mặt cha tôi cho tôi gởi đến ông một lời xin lỗi. Chúc ông có một cuộc
sống an lành và hạnh phúc.
Kính
chào ông
Con một
người đã mất.
J.C
Nhiều
năm đã trôi qua, anh không còn nhớ mình đã đi qua những vùng đất nào để tìm Hà,
có lần anh bất chợt hình như đã nắm được vạt áo của nàng nhưng chỉ là trùng
tên, ngày tháng năm sinh vậy thôi. Cuộc đời sau có nhiều nỗi trớ trêu như thế,
và anh vẫn sống, vẫn đi tìm những tin tức liên quan về Hà, về gia đình Hà nhưng
vẫn bặt vô âm tín. Không một tin tức gì về nàng, anh tìm thông tin về những người
Việt ra đi, đăng trên báo Việt tìm người, gởi thư về quê nhà và những người quen cũ đều không nhận được
sự trả lời. Hà như tan vào hư vô từ ngày tiễn anh vào trại cải tạo, có lẽ nào
chúng ta chỉ biết tin nhau khi một người đã mất. Anh chiêm nghiệm rằng khi tình
yêu mang đầy đau khổ, kiếm tìm, chạy đuổi thì tình yêu ấy muôn đời bền vững
trong tâm hồn mình dù rất nhiều mệt mõi tuyệt vọng.
Đài dự
báo thời tiết báo sẽ có cơn bão tuyết tràn qua miền đông bắc trong vài ngày tới làm Miên miên mang chợt nhớ đến cơn bão tuyết trong
phim “Bác sĩ Zhivago mà anh và Hà đã từng xem: Zhivago và Lara lần đầu tiên gặp
nhau, đi bên nhau trong cơn bão tuyết, những ngày chiến tranh xảy ra khốc liệt
lại là những ngày họ cảm thấy hạnh phúc nhất vì được sống gần bên nhau, họ là động
lực của nhau, chiến đấu và làm việc tất cả mọi việc vì tổ quốc thân yêu của
mình. Anh và Hà có được cái hạnh phúc tuyệt vời nhưng vô cùng mỏng manh ấy
không? Hoàn toàn không, không có gì cả ngoài những ký ức đau buồn luôn giằng xé
tâm hồn anh. Trong chiến tranh sống trong chờ đợi, mõi mòn, luôn lo âu trước một
tin dữ từ chiến trường đưa về. Khi chiến cuộc tàn lại phân ly tan rã. Cuộc tình
chúng ta sao mà đau khổ đến thế? Hà còn sống trên cõi đời nầy hay vĩnh viễn biến
mất không để lại một chút dấu vết trên trần thế? Mơ hồ trước mắt anh hiện lên một
vùng biển động dữ dội, sóng cao như núi từng đợt từng đợt ập vào chiếc tàu nhỏ
bé mỏng manh mang trong lòng nó những con người khốn khổ rời bỏ quê hương, nhà
cửa người thân để đi tìm vùng đất tự do, anh thấy gương mặt Hà đang nhìn anh
đăm đăm, không tỏ vẻ gì run sợ trước cơn giận dữ của thủy thần, nàng phả vào
trong anh những lời nói của Lara: “Vĩnh biệt anh yêu dấu và lớn lao của em,
vĩnh biệt niềm kiêu hãnh của em, vĩnh biệt dòng sông nhỏ chảy xiết và sâu thẳm
của em, em mới yêu tiếng sóng vỗ dạt dào hàng ngày của anh, em mới thích gieo
mình vào các làn sóng mát lạnh của anh xiết bao?”(2). Thật sao? Anh là niềm
kiêu hãnh, là tiếng sóng vỗ dạt dào, là làn sóng mát lạnh mà em thích gieo mình
vào đó, tận hưởng niềm hoan lạc vô biên đó sao? nhưng tại sao em không cùng anh
nắm lấy tay nhau đi trọn cuộc đời mình trên mãnh đất đã trải qua nhiều nỗi đau
thương bất hạnh nầy mà tận hưởng niềm vui, niềm khoái lạc của những kẻ yêu
nhau, mõi mòn chờ đợi nhau. Tài sao người ra đi không phải là anh mà lại là em,
Hà ơi!
Trong
giấc mơ nào đó Miên mong Hà vẫn còn sống, sống ở một nơi nào đó trên trái đất nầy,
có được một gia đình và đàn con hạnh phúc. Có thể Hà đã quên anh rồi hay dù có
nhớ anh, có yêu anh đến mấy, có nhận được thông tin của anh tìm kiếm nhưng nàng
không muốn hồi âm, có lẽ nàng muốn Miên nghĩ nàng đã chết để khỏi đau lòng, nấn
ná, đợi chờ. Dòng nước đã trôi đi hãy để nó xuôi về biển cả mênh mông, níu kéo
lại làm gì để khổ cho cả hai. Chắc nàng cũng muốn anh được hạnh phúc, muốn anh
có một suy nghĩ về sự ra đi của nàng như sự ra đi của Lara ở cuối tác phẩm Bác
sĩ Zhivago: “Một hôm Lara ra phố và không trở về nhà nữa. Chắc nàng đã bị bắt
giữ ở ngoài đường, và nàng đã chết hoặc mất tích không rõ ở đâu, bị quên lãng
dưới một con số vô danh trong những bản danh sách sau này bị thất lạc, tại một
trong vô số trại tập trung hỗn hợp hoặc dành riêng cho đàn bà phương Bắc”(3)
Bài
hát đã hết từ lâu. Miên bật lại máy, âm điệu bài hát Somewhere, my love lại
vang lên. Lần nầy Miên không còn cái cảm giác buồn thảm, cô đơn nữa. Anh khe khẻ
hát theo:
Somewhere, my love,
There will be songs to sing
Although the snow
Covers the hope of spring.
Somewhere a hill
Blossoms in green and gold
And there are dreams
All that your heart can hold…
Một
vài ngày nữa, thời tiết bớt lạnh,tuyết không còn rơi, Miên sẽ ra biển, sẽ ngồi lại đó rất lâu và trước khi ra về
anh sẽ thả chiếc thẻ bài khắc tên mình xuống dòng nước trong xanh đó, thả nó về
nơi nó cần đến và ngủ yên, một nơi bình yên để quá khứ được khép lại, một quá
khứ không lấy gì vui vẻ và đầy phiền muộn. Nếu Hà còn lẩn quẩn ở một nơi nào đó
trong muôn trùng nàng sẽ hiểu lòng anh, tấm thẻ bài như tình yêu anh luôn mãi gần
gũi Hà, sưởi ấm nàng trong tiếng ầm ào
của sóng biển, vỗ về an ủi nàng trong cô đơn lạnh lẽo và anh sẽ thầm nói: Tôi
đâu có giận gì ông đâu thưa ông Bill.
Nguyễn An Bình
____________________________________________________________
(1):dịch: Nơi nào đó, người yêu ơi. Sẽ có
những bài hát được ca vang. Dù cho tuyết trắng. Có phủ đầy hi vọng về mùa xuân.
Nơi nào đó trên ngọn đồi. Những đóa hoa xanh non và vàng rực. Và có những giấc
mơ. Mà trái tim anh có thể ấm ủ. Ngày
nào đó chúng ta sẽ gặp lại nhau, người yêu ơi. Ngày nào đó, bất cứ nơi nào mà
mùa xuân tràn đến. Anh sẽ đến cùng em. Từ quá khứ xa xưa. Ấm áp như ngọn gió.
Êm ái như nụ hôn của tuyết trời. Cho đến lúc đó, người yêu ơi. Hãy luôn nhớ về
em. Chúa ơi, hãy thúc đẩy người yêu của con. Cho đến khi anh lại là của em.
(2):lời của Lara khi đứng trước quan tài
của Zhivago.
(3)
:đoạn cuối của tác phẩm “Bác sĩ Zhivago”.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét