Sở Khanh là tên một nhân vật trong tác
phẩm Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du. Hai thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày mất (1820-2015),
dưới ngòi bút thần tình của thi hào, Sở Khanh vẫn như từ trang sách bước ra,
vẫn hiển hiện, vẫn là hình mẫu tiêu biểu cho một hạng người chuyên lừa lọc,
gian trá, đớn hèn, đã làm hại đời biết bao phụ nữ!
Những nhân vật xinh đẹp, đoan trang,
anh hùng mã thượng…xuất hiện trong truyện Kiều, đa phần đều được miêu tả sinh
động về khuôn mặt, vóc dáng, thần thái…
Với Thúy Vân:
“Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Hoa
cười ngọc thốt đoan trang,
Mây
thua nước tóc tuyết nhường màu da”.
Tưởng
như tất thảy vẻ đẹp trên thế gian này, từ trăng, hoa, ngọc, mây, tuyết đều hội tụ
ở khuôn mặt, nụ cười, mái tóc, làn da và thần thái tinh anh khác lạ của Thuý
Vân.
Thúy
Vân đã thế, còn Thuý Kiều "So bề tài sắc lại là phần hơn”:
"Làn
thu thủy nét xuân sơn,
Hoa
ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”.
Một
sắc đẹp tuyệt trần, khiến cho thiên nhiên phải ganh tỵ. Sắc đẹp đó có thể làm
cho "Một hai nghiêng nước nghiêng thành” làm cho "Mặt sắt cũng ngây vì tình”.
Với
Từ Hải:
"Râu
hùm hàm én, mày ngài,
Vai
năm tấc rộng, thân mười thước cao.
Đường
đường một đấng anh hào,
Côn
quyền hơn sức lược thao gồm tài”.
Rõ
ràng là một trang vũ dũng, mạnh mẽ, quyết đoán, tài năng hơn người.
Còn
Sở Khanh?
Sở
Khanh không có khuôn mặt.
Đối
với nhân vật này, Nguyễn Du chỉ đặc tả sắc nét hình vóc bên ngoài, cử chỉ, lời
nói, hành động, cách ứng xử... để người đọc tự trải nghiệm và dần nhận ra "bộ mặt”
của Sở Khanh. Đây cũng chính là bút lực, là tài năng của thi hào Nguyễn Du
trong cách xây dựng tính cách nhân vật. Ai đã từng đọc Truyện Kiều, dù chỉ một
vài lần thôi, đoạn nói về Sở Khanh, thì trong tâm trí vẫn hình dung đầy đủ:
hình thức ăn mặc, miệng luỡi của Sở Khanh...lợi hại, trơ tráo biết chừng nào.
Lần
đầu gặp gỡ, giao tiếp; Sở Khanh đã nguỵ trang trong vỏ bọc: "Hình dung chải chuốt áo khăn dịu dàng”. Trông
bề ngoài, Sở Khanh như là một thư sinh, con nhà gia giáo, khiến Kiều ngỡ rằng
mình được gặp một người nền nếp, dòng dõi nho gia: "Nghĩ rằng cũng mạch thư
hương”.
Sai
lầm biết mấy, cả trước đây và xã hội bây giờ, khi chỉ đánh giá con người qua vẻ
bề ngoài! Âu cũng là thân phận nàng Kiều. Lấy được lòng qua vẻ bề ngoài rồi, Sở
Khanh trổ tài tán tỉnh, lừa lọc bằng giọng điệu tỉ tê, nói lời thương hoa, tiếc
ngọc:
"Than ôi! sắc nước hương trời,
Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây?
Giá đành trong nguyệt trên mây,
Hoa sao hoa khéo đọa đày bấy hoa?”.
Rồi
lên giọng róng riết, tỏ sự căm giận, bất bình vì nỗi trái ngang mà Kiều đang
chịu: "Tức gan riêng giận trời già”. Sau đó mới dỗ ngon, dỗ ngọt, thủ
thỉ tình yêu thầm kín với Kiều: "Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng?”. Nguyễn
Du không hề miêu tả khuôn mặt nên ta không thể hình dung được nét mặt, ánh mắt
biểu lộ tình cảm ”cao thượng”của Sở Khanh. Chắc cũng đáng tin lắm, đáng chờ đợi
trông mong lắm... trong lòng Kiều; khi mà Kiều đang trong cảnh ngộ bơ vơ không
nơi nương tựa, không người thân, không nhà cửa; thân gái lênh đênh nơi góc bể
chân trời; đang lỡ bước sa chân vào hang hùm miệng sói, nanh nọc của mụ tú bà.
Và
cuối cùng, Sở Khanh ra đòn quyết định trong vụ lừa tình này, bằng lời lẽ huênh
hoang, tự cao tự đại, ra dáng anh hùng cứu mỹ nhân:
"Thuyền quyên ví biết anh hùng,
Ra tay tháo cũi sổ lòng như chơi!”.
Đến đây thì Kiều đã bị lung lạc, tin lời: "Song thu đã khép cánh ngoài / Tai còn đồng vọng mấy lời sắt đanh” và đặt cược
lòng tin, cầu mong sự giúp đỡ của Sở Khanh: "Đánh liều nhắn một hai lời / Nhờ tay
tế độ vớt người trầm luân”.
Thế
là hết. Kiều đã sa vào tay họ Sở!
Lập
tức, Sở Khanh gửi thư cho Kiều, bí mật hẹn ngày, giờ cùng chạy trốn. Đến giờ hẹn, Sở
Khanh xuất hiện:
"Tường đông lay động bóng cành,
Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào”.
Che
dấu, lén lút, lẻn... đó mới là hành tung, là bản chất của Sở Khanh. Chỉ tội nghiệp
cho Kiều, vì hoàn cảnh trớ trêu, tấm thân bèo bọt nổi trôi vô định nên, như kẻ
chết đuối vớ được cọc, nàng vô cùng cảm kích, tỏ lòng đội ơn, xem như người cứu
mạng, hứa sẽ khắc cốt ghi xương, đền đáp công ơn cho đến khi nhắm mắt: "Dám nhờ
cốt nhục tử sinh / Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau”.
Có
lẽ bối rối trước tấm lòng thành của Kiều, hay cảm thấy đắc thắng vì con mồi đã
vào bẫy, Sở Khanh: "Lặng nghe tủm tỉm gật đầu”. Có
trời mới biết cái tủm tỉm, cái gật đầu đó của Sở Khanh! Chỉ biết rằng một âm
mưu đen tối đang được giăng ra. Rồi đây, đất bằng sẽ dậy sóng trong đời Kiều; hoa
kia rồi sẽ lấm bùn, cung phụng lợi ích cho bọn buôn người.
Chính
lúc này, Sở Khanh đã phát ngôn những câu ngớ ngẩn, rỗng tếch nhất, đúng như con
người thật của hắn:
”Ta đây nào phải ai đâu mà rằng!
Nàng đà biết đến ta chăng,
(Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi.)
Có
lẽ, cụ Nguyễn Du rất đắc ý, cười thầm... khi đặt để ngôn ngữ ngô nghê, khoát lác
mà Sở Khanh sử dụng để loè Kiều: ta đây, ai đâu, mà rằng, ta chăng... Sở Khanh
tiếp tục khoát lác, lên giọng:
”Rằng: Ta có ngựa truy phong,
Có tên dưới trướng vốn dòng kiện nhi”.
Và
bày đặt kế hoạch đào tẩu:
"Thừa cơ lẻn bước ra đi,
Ba mươi sáu chước chước gì là hơn?”.
Sau
đó, vỗ ngực, xưng tên và hứa hẹn chung chung:
"Dù khi gió kép mưa đơn
Có ta đây cũng chẳng cơn cớ gì”.
Thương
cho phận Kiều. Bẫy kia đã sập. Đến nước này, dù hồ nghi về cách nói năng phô
trương, lấp lửng của Sở Khanh, nhưng Kiều "Cũng liều nhắm mắt đưa chân”:
"Cùng nhau lẻn bước xuống lầu.
Song song ngựa trước ngựa sau một đoàn”
Và
sau đó, chuyện gì sẽ xảy ra?
Trò
lừa bịp hạ màn!
"Sở khanh đã rẽ dây cương lối nào!”.
Bây
giờ thì Nguyễn Du, ở ngôi vị thứ ba, ngôi vị người kể (không còn xưng hô ta
đây, chàng, nàng) đã lên tiếng vạch mặt, nêu tên, chỉ rõ hành động bịp bợm của
Sở Khanh khi "quất ngựa truy phong” lánh mặt, bỏ rơi Kiều giữa rừng đêm khuya
lắt, tâm trạng rối bời, bước cao bước thấp trong nỗi kinh sợ, hãi hùng.
Tai hoạ ập tới! Lũ tay chân của mụ Tú
bà, từ nơi mật phục, túa ra bắt Kiều. Mặc cho Kiều thú tội, khẩn cầu; Tú bà phủ
đầu bằng trận đánh đập dã man, đến nổi: "Uốn lưng thịt đổ giập đầu máu sa”. Đòn
đau đến nỗi, Kiều phải chấp nhận, bằng lòng với số phận, bằng lòng với việc trở
lại lầu xanh: "Thân lươn bao quản lấm đầu / Chút lòng trinh bạch từ nay xin
chừa”.
Rồi
có người thương tình, mách bảo; Kiều cũng hiểu ra hoàn cảnh của mình! Không
phải do số phận mà do bị lừa gạt: "Thôi thì mắc lận thì thôi / Đi đâu chẳng biết
con người Sở Khanh / Bạc tình nổi tiếng lầu xanh / Một tay chôn biết mấy cành phù
dung”.
Không
phải chỉ mỗi một mình Kiều! Bao nhiêu cành phù dung đã rơi vào chốn lầu xanh vì
lời nói ngon ngọt, lừa phỉnh của Sở Khanh. Chỉ vì món lợi ba muơi lạng bạc do
mụ Tú bà chi trả, Sở Khanh đã bày mưu hãm hại đời Kiều.
Mọi
việc đã rõ. Đến lúc này thì Nguyễn Du mới để cho Sở Khanh xuất hiện với khuôn
mặt thật, với con người thật: Lúc Kiều "Còn đương suy trước nghĩ sau” về
thân phận thì "Mặt
mo đã thấy ở đâu dẫn vào”. Một
khuôn mặt trơ tráo, lỳ lợm, đớn hèn! Khuôn mặt mà da đã dầy lên như tấm mo cau
vì quá nhiều thành tích bất hảo được che đậy một cách tinh vi.
Với mặt mo đó, giả tảng như không biết gì, Sở
Khanh lớn tiếng rêu rao, hù doạ kẻ đã vạch mặt mình:
"Rằng: Nghe mới có con nào ở đây.
Phao
cho quyến gió rủ mây,
Hãy xem có biết mặt này là ai?”
Sở Khanh dám làm như thế, dám hung hăng như thế, vì như thế
mới đúng bộ mặt trơ tráo của hắn:
“Sở Khanh quát mắng đùng đùng,
Bước vào vừa rắp thị hùng ra tay.”
Đau đớn, ê chề, Kiều chỉ biết kêu trời: “Nàng rằng trời nhé
có hay! / Quyến anh rủ yến sự này tại ai? / Đem người đẩy xuống giếng thơi, / Nói rồi
rồi lại ăn lời được ngay!”. Qua lời nói của Kiều, Nguyễn Du mô tả Sở Khanh trơ
trẻn đến mức không thèm “nuốt lời” mà là “ăn lời”, là nhai ngấu nghiến, không
thèm che đậy.
Âm mưu, thủ đoạn lừa bịp của Sở Khanh đã bị Kiều vạch trần
với đầy đủ tang chứng, vật chứng. Bộ mặt thật của hắn đã phơi bày. Tuy vậy, khuôn mặt Sở Khanh vẫn chưa được lột tả. Mà có lẽ cụ
Nguyễn Du cũng chỉ muốn dừng lại ở đó, để mọi người nhìn thấu suốt bộ mặt đã
được ngụy trang kia, bộ mặt mo ấy, qua hình vóc, cử chỉ, lời nói bên ngoài và
hành tung của con người tội lỗi đó. Và với Kiều, dù đã thấy rõ tâm địa, bản
chất lừa đảo của Sở Khanh cũng chỉ còn biết ta thán, chán chường bản mặt vô
hồn, dơ dáng kia: "Còn tiên tích việt ở tay / Rõ ràng mặt ấy, mặt này chứ ai?”.
Mặt ấy, mặt này chứ ai? Là khuôn mặt Sở Khanh. Khuôn mặt
phiếm diện. Vì
thế, khuôn mặt cụ thể của Sở Khanh vẫn là điều không thể vẽ được!
HỮU DU
_________
bài viết hay
Trả lờiXóa