 |
Ảnh Internet |
Thời còn bao cấp trước
đây, cứ mỗi lần đến mùa gặt là chiều ngày hôm trước ba tôi lại ra lùm tre, sau
khi quan sát kỹ, ba chọn một cây tre non đã ra lá xanh rờn, nhưng thân nó còn
xanh. Ba dùng rựa chặt sát gốc, sau khi đốn hạ, trảy hết nhành, chỉ còn lại
thân tre, ba đem về sân vườn, chặt thành 2, 3 đoạn, mỗi đoạn dài khoảng hai mét.
Tiếp theo, công đoạn chẻ lạt, sau khi chẻ xong, ba bó thành từng bó lạt và dùng
một ít rơm khô, hoặc lá cây khô chất đốt, hơ bó lạc đã chẻ qua lửa ngọn, cho nó
dẻo sợi lạt, để sáng mai bó lúa lạt tre không bị đứt.
Ngày ấy, thường tập
trung từ năm đến mười người gặt (số lượng phụ nữ chiếm hai phần, một phần đàn
ông) từ một đến hai sào ruộng chín trong một ngày (sào Trung bộ quê tôi rộng
500 m2), cứ xoay vòng, hết nhà này sang nhà khác. Nhà nào ruộng chín trước thì
mượn người gặp trước. Sau đó, đi trả công từng nhà, thường phụ nữ gặt lúa, còn
đàn ông khỏe mạnh hơn, gom lúa và bó để gánh về nhà. Tiếp theo, chất lúa bó đầy
sân nhà (nếu nhà nào có sân gạch), còn không có sân gạch, thì đưa lúa chín vào
trong nhà ba, bốn gian. Buổi sáng gặt xong, thì buổi chiều tập trung đạp lúa. Nhà
nào có trâu thì dắt trâu, bò vào đi vòng tròn trên dạ lúa đã được sắp ngay ngắn
trên sân gạch hoặc nền nhà, cho lúa rụng hạt ra, chỉ còn lại rơm. Nhà nào không
có trâu, bò thì phải huy động mọi người dùng chân để đạp từng mẻ lúa.
Việc đạp lúa chín bằng
chân rất vất vả, vì phải đạp trên hạt lúa, rất xót đau, da bàn chân thường đỏ
lên vì bỏng rát, vì ma sát với lúa và rơm tươi. Sau khi đạp xong, hì hục giũ
rơm ra khỏi lúa, để gom lúa hạt lại, còn phải dê lúa để lấy hạt chắc, loại hạt
lép và bụi bặm. Tôi cũng tham gia đạp lúa bằng chân, tối đến cả đêm chân sưng
lên đau nhức, vì da chân của tuổi trẻ còn non, nhưng không thể không giúp cha
mẹ. Sau này, cứ mỗi lần nghĩ lại cái thời ấy, mà xúc động dâng trào!
Hồi đó, chưa có quạt
cây bằng điện như bây giờ, nên phải dùng quạt thủ công làm bằng tre dán giấy để
quạt, nên rất vất vã và tốn nhiều thời gian. Một sào ruộng chín phải cần ít nhất
năm lao động làm cật lực trong một ngày ròng rả - từ sáng sớm đến tối mịt, mới
xong. Để có được hạt lúa từ ngoài đồng đem về nhà là cả một quá trình, dày công
sức. Chưa kể, còn phải phơi cho lúa khô để còn cất vào chum vại, hay bồ lúa, để
dành xay lúa thành gạo ăn cho cả gia đình cho đến mùa giáp hạt lần sau. Sau
này, tiến bộ hơn, bà con ở quê tôi có máy tuốt lúa thì việc đỡ tốn công sức
hơn. Có thể khiêng (đem) máy ra đồng, vừa gặt vừa tuốt lúa, đem lúa về, còn rơm
trải ra phơi tại ruộng cho khô rồi chất lại từng đống nhỏ, vận chuyển đem về
chất thành cây rơm, để nuôi trâu bò, hoặc làm nấm rơm... Nhà nào không có trâu
bò thì phơi rơm tại ruộng, rồi đốt cho tốt ruộng vào vụ sau.
Nói như vậy, để thấy
cái khổ cực của người nông dân “một nắng,
hai sương”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, mới có được hạt lúa, gạo.
Nếu mùa màng năm nào bội thu, được mùa thì nét mặt người dân quê tôi còn tươi
cười. Có năm, có vụ ruộng bị sâu bệnh đạo ôn, chuột đồng cắn phá, thời tiết hạn
hán, gặt lúa nhưng là lúa lép gần hoặc hơn một nửa, thì người dân buồn lắm. Vì
chi phí: Giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công cán, cày bừa, chăm sóc, nhổ cỏ...
một sào ruộng cũng không phải là ít. Ở quê, trăm việc người nông dân phải lo từ
cái ăn hàng ngày cho gia đình đến giỗ chạp, cưới hỏi, con đi học, sách vở, áo
quần đều dựa vào hạt lúa và củ khoai, củ sắn. Có thể nói, hạt lúa phải “cõng trên mình” rất nhiều việc trọng
đại trong đời sống của người dân quê tôi nói riêng, người dân lao động Việt Nam
nói chung.
Ngày ấy, tuổi thơ tôi
đã chứng kiến biết bao nhiêu khó khăn, đã từng giăng nắng giữa trưa hè trên
cánh đồng bậc thang, với bao giọt mồ hôi rụng xuống cay xè cả hai con mắt, để
rồi thầm trong suy nghĩ, với ước mơ, sau này làm sao cho quê hương khởi sắc,
đổi mới, cuộc sống đi lên, thoát nghèo! Tuy nhiên, tôi chưa làm được gì cho quê
hương, cho cha mẹ, khi khoác áo “chinh
nhân” xa gia đình vào bộ đội... Cũng chính vì làm nông quá vất vả, thu nhập
chẳng được bao nhiêu, nên bọn trẻ sau này lớn lên không muốn làm nông, nhiều
người bỏ quê, vào tận thành phố HCM hoặc các tỉnh miền Nam để kiếm việc làm,
mưu sinh, với mong muốn “thoát nghèo”,
đổi đời, chứ cứ ôm mấy sào ruộng, mảnh vườn là đói cả đời. Bạn bè tôi thời ấy,
ai học được thì cố gắng thi vào đại học, cao đẳng, học nghề, để mong sao sau
này có cái nghề, mong thoát cảnh làm nông, không phải quần quật quanh năm trên
cánh đồng nắng gió. Thật đúng như câu ca dao lưu truyền: “ai ơi bưng bát cơm đầy/ dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”. Nói
như vậy, để cảm thông, thương cha mẹ nhiều hơn, thương nơi làng quê đã gắn bó
với tuổi thơ qua những năm tháng khó khăn, nhưng đó là nơi “chôn nhau, cắt rốn”.
Ai có sống, cảm nhận
được nỗi khổ cực của tuổi thơ, mới thấy được giá trị của cuộc sống, trân quý,
yêu thương quê hương da diết hơn! Sau này, ra trường tôi công tác và lập gia
đình nơi phố thị, nhưng trong tôi luôn trân quý những người bạn tôi. Họ đã chọn
quê hương nơi mình được sinh ra, để lập nghiệp. Gửi trao ước mơ, sự yêu thương,
hoài vọng cho chính con em, có nhiều cơ hội hơn để đổi đời, có công ăn việc làm
nơi thành phố, để trở thành những công nhân, công chức, giáo viên của các nhà
máy, xí nghiệp, cơ quan nhà nước.
Giờ đây, được viết lại
những hồi ức về một thời mình đã sống, nơi quê hương “khúc ruột miền Trung” thương yêu, để nhắc nhở bản thân, con em mình
không được quên đi quá khứ. Quá khứ ấy, đã tạo cho tôi biết trân quý hơn cuộc
đời, biết yêu thương cha mẹ, người thân, người dân lao động đã miệt mài trên
cánh đồng, góp mầm xanh cho đất nước thêm những mùa xuân tươi đẹp, chan hòa
nắng ấm và kỳ vọng ở tương lai rộng mở phía trước!
Quê nhà, tháng hạ 2020
Võ Văn Thọ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét